Các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến đáp ứng gần một nửa tổng nhu cầu điện vào 2030, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Thế giới dự kiến bổ sung hơn 5.500 gigawatt (GW) công suất điện tái tạo đến cuối thập kỷ này, gần gấp 3 lần mức tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2023, theo “Báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2024” mới công bố của IEA.
Mức tăng này tương đương tổng công suất điện hiện tại của Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Mỹ. Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA đánh giá năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh hơn cả mục tiêu một số nước đề ra.
“Điều này không chỉ bởi nỗ lực giảm khí thải hoặc tăng cường an ninh năng lượng mà ngày càng do năng lượng tái tạo là lựa chọn rẻ nhất để bổ sung công suất điện mới ở hầu hết các quốc gia”, ông nói.
Trung Quốc sẽ chiếm gần 60% tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên toàn cầu từ nay đến năm 2030, trở thành quốc gia chiếm gần 50% tổng công suất điện tái tạo toàn cầu vào cuối thập kỷ, tăng từ mức một phần ba vào 2010.
Xét về nguồn, công suất điện mặt trời khả năng vượt 1.100 GW cuối năm nay và chiếm 80% công suất năng lượng tái tạo vào 2030. Điện gió cũng đang trên đà phục hồi, với tốc độ mở rộng từ nay đến 2030 nhanh gấp đôi giai đoạn 2017-2023.
Gần 70 quốc gia chiếm 80% tổng công suất điện tái tạo toàn cầu dự kiến đạt hoặc vượt các mục tiêu vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu chung toàn cầu được đặt ra tại hội nghị COP28 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu là tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo đến 2030 có thể không đạt được.
Để có thể tăng gấp 3 lần công suất, các nước cần đẩy mạnh nỗ lực tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện. Điều này đòi hỏi phải xây dựng và hiện đại hóa 25 triệu km lưới điện và đạt công suất lưu trữ 1.500 GW vào năm 2030, theo IEA. Theo phân tích của IEA, mục tiêu này vẫn khả thi nếu các chính phủ hành động nhanh và táo bạo vào năm tới và tăng cường hợp tác quốc tế.