Chuyên gia cho rằng ngành điện cần cải cách cơ chế giá, không để người dân phải bù chéo cho sản xuất, người dùng nhiều bù cho dùng ít.
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương giữ cách tính tiền điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 xuống còn 5 bậc. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh như hiện hành, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên.
Giá điện các bậc thang 1-5 được tính theo lũy tiến, bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ ngày 9/11). Như vậy, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Giá điện cho 100 kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (gần 33,5% tổng số hộ dùng điện). Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù từ hộ dùng 401-700 kWh và trên 700 kWh. Tức là, giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp, theo Bộ Công Thương.
Các chính sách hỗ trợ tiền điện với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được duy trì, với mức hỗ trợ tiền điện tương đương mức sử dụng là 30 kWh.
Bộ Công Thương cho biết phương án biểu giá điện 5 bậc thang được 92,2% ý kiến góp ý đồng tình, chỉ có 7,8% đồng ý phương án rút ngắn còn 4 bậc thang. Cùng đó, cách tính giá lũy tiến nhằm khuyến khích tiết kiệm điện, hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa, chênh lệch giữa bậc 1-5 là 2 lần phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Giới chuyên môn đánh giá biểu giá như trên sẽ tác động trực tiếp đến hộ tiêu dùng nhiều điện. Tức là, các hộ càng sử dụng điện nhiều thì mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên.
“Điều này không đúng nguyên lý của thị trường điện cạnh tranh”, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nói. Ông cho rằng việc bù chéo giá điện giữa các hộ sử dụng nhiều và hộ sử dụng ít là không phù hợp.
Chuyên gia dẫn Nghị định 55/2020 của Bộ Chính trị cho biết Việt Nam định hướng xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền. Nhà nước điều tiết thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ và chính sách an sinh xã hội.
“Người dùng ít điện, các hộ nghèo đã có chính sách hỗ trợ giá điện, chứ không thể lấy tiền của các hộ dùng nhiều bù cho các hộ dùng ít điện”, ông nói. Chuyên gia đề xuất bỏ biểu giá bậc thang, áp dụng cách tính điện một giá, theo thị trường cạnh tranh.
“Theo đúng nghĩa, người dùng nhiều phải được giảm giá, đó mới là thị trường cạnh tranh, giống như bất cứ hàng hoá khác”, ông phân tích, thêm rằng cách tính lũy tiến chưa được chứng minh sẽ giúp tiết kiệm điện. Bởi, ngoài người dân, các khu vực khác, gồm cả ngành điện, doanh nghiệp sản xuất, cũng phải thực hiện tiết kiệm bằng cách đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất, tránh lãng phí.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng về lâu dài ngành điện cần có sự thay đổi căn bản, hướng đến thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh.
Không chỉ bù chéo cho người dùng ít điện sinh hoạt, TS Ngô Đức Lâm còn cho rằng yếu tố công bằng, minh bạch được đặt ra từ mấy năm qua vẫn chưa thay đổi, người tiêu dùng vẫn đang trả tiền điện bù cho sản xuất theo biểu giá mới.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất gộp và bổ sung cấp điện áp cho nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh. Việc tính giá điện cho nhóm này sẽ không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện. Vì vậy, giá điện giờ bình thường sẽ bằng 78-90% giá bán lẻ điện bình quân; giờ thấp điểm sẽ bằng 52-67% giá bán lẻ điện bình quân và giờ cao điểm sẽ bằng 139-165% giá bán lẻ điện bình quân.
Ngoài ra, nhóm cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất áp giá điện của sản xuất, mức thấp hơn hiện tại. Thay đổi này nhằm khuyến khích cho ngành du lịch phát triển, tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, phần doanh thu bị thiếu hụt này sẽ phải được bù đắp, nên cơ quan soạn thảo đang xem xét đề xuất bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng cơ chế giá điện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp. Cơ quan này dẫn chứng điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân. Tương tự, vẫn còn tình trạng bù chéo giữa hộ dùng nhiều bù và sử dụng ít và giữa các vùng miền.
Tương tự, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức không lấy giá điện sinh hoạt để bù.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét áp dụng giá bán điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh của nhóm khách hàng sử dụng. Đồng thời, ngành điện có thể thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo đúng công suất và điện năng để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp 110 kV trở lên trước khi áp dụng chính thức.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, góp ý khi sửa quy định, nhà chức trách cần tránh tình trạng người dân sử dụng điện phải bù chéo cho sản xuất nhưng vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng lưu ý việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần theo quy định về điện lực, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, từng bước loại bỏ phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giá, để giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại hiện nay, ngành điện cần tiếp tục cải cách cơ chế giá bán lẻ theo hướng thị trường cạnh tranh, áp dụng giá bán lẻ điện trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Cùng đó, ngành này phải tiếp tục tái cơ cấu, tách chức năng cung cấp các dịch vụ độc quyền tự nhiên của ngành gồm truyền tải, phân phối, vận hành hệ thống và thị trường điện ra khỏi các đơn vị tham gia cạnh tranh.